Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sầu riêng đã được trồng từ lâu và ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng vùng trồng do giá trị kinh tế giống cây này mang lại. Để cây đạt năng suất cao và lợi nhuận tốt thì điều kiện tiên quyết là cây phải ra hoa và đậu quả tốt. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vào thời kỳ ra hoa và đậu quả, cây thường rụng hoa và trái non rất nhiều, làm ảnh hưởng đến năng suất. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục phù hợp:
– Do thiếu chất dinh dưỡng:
Cây sầu riêng có đặc điểm là ra hoa và đậu quả nhiều, nếu bà con không tỉa hoa và trái đúng thời điểm sẽ khiến chúng cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, cây không đủ sức để cung cấp dinh dưỡng để nuôi toàn bộ trái, đặc biệt là giai đoạn trái sầu riêng tạo múi, điều này sẽ làm cho cây bị khủng hoảng, dẫn đến tình trạng trái rụng hàng loạt.
Thiếu dinh dưỡng để nuôi toàn bộ hoa và trái nên có nhiều trái non bị rụng để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại. Vì thế thời gian này bà con cần bón thêm phân qua rễ và qua lá để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây.
– Do cây vừa có hoa hoặc trái non lại vừa đi đọt:
Tình trạng cây ra đọt non trong thời kỳ ra hoa, đậu quả là do bà con bón phân không hợp lý. Bà con đã bón quá nhiều phân đạm khiến cây tập trung ra đọt và lá non dẫn đến tình trạng cạnh tranh trực tiếp chất dinh dưỡng trực tiếp với hoa và quả. Điều này làm cây rụng nhiều trái non. Hoặc do bà con tưới nước đột ngột làm cây ra nhiều đọt mới. Đối với sầu riêng, nếu trái nặng dưới 1,5kg mà cây ra đọt non thì cây sẽ tập trung ngay vào việc nuôi dưỡng đọt non mà quên nuôi trái. Mức độ rụng trái non của sầu riêng sẽ tùy vào mức độ mạnh yếu của đọt và lá non. Đọt là lá sầu riêng non càng phát triển mạnh thì trái non rụng càng nhiều.
– Do cây bị sốc nước:
Vào mùa khô cây không được cung cấp nước đầy đủ và liên tục cho đến khi thời tiết chuyển sang mùa mưa, lượng nước mưa cung cấp cho cây thay đổi đột ngột có thể khiến cây bị sốc.
Nguyên nhân là do cây không được tưới nước thường xuyên trong mua khô, nay bỗng nhiên tiếp nhận một lượng nước lớn làm sinh lý cây bị thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng rụng hoa. Bởi vì hoa và quả non là bộ phận dễ bị tác động nhất của cây.
Hoặc trong giai đoạn cây mang trái mà lượng nước cung cấp không đủ cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng trái non ở cây sầu riêng. Ngoài ra, nếu vườn trồng gặp mưa bão sẽ làm rụng bông và trái sầu riêng non hàng loạt.
– Do điều kiện khí hậu và thời tiết thay đổi đột ngột:
Vào thời điểm chuyển giao từ mùa nắng sang mùa mưa, khi đó gié, hoa và quả còn non, tầng rời còn còn yếu nên nếu gặp gió to, mưa lớn kéo dài có thể gây rụng quả hàng loạt.
Mặt khác, vào giai đoạn chuyển mùa giữa mùa mưa, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm cho cây đột ngột mất nhiều nước. Nếu bà con không cung cấp nước đầy đủ và kịp thời, đến khi gặp trời mưa to, cây được cung cấp một lượng nước quá lớn và đột ngột cũng dễ gây rụng hoa và rụng trái.
– Do sâu và bệnh gây hại:
Đối với cây sầu riêng, đợt ra hoa đầu vụ chính là thời điểm bọ xích chích hút và làm rụng trái nhiều. Ngoài bọ xít còn có một số đối tượng khác như nhện đỏ, bọ xít, rầy xanh, ruồi đục lá, bọ ánh kim, bọ ánh kim nâu…. cũng tấn công và gây ra hiện tượng tương tự. Ngoài ra bệnh thán thư cũng là tình trạng phổ biến gây rụng hoa và rụng trái non trên sầu riêng.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC:
– Giải pháp tác động khi cây bị sốc nhiệt, sốc nước: Giai đoạn nuôi búp (trước giai đoạn ra hoa xổ nhụy, đậu trái) cần lựa chọn bón phân gốc có hàm lượng kali cao (hoặc khi bón phân ba số thì bổ sung thêm phân kali đơn với lượng 200-300 gram/ gốc). Hỗ trợ phun kéo bông, kéo đọt bằng công thức có bổ sung một số hoạt chất chống sốc nhiệt, sốc nước, … hạn chế tác hại của điều kiện thời tiết bất thuận như Brassinolide, 3B, Cytokinin DA6, … Công thức tính cho 200 lít nước: 10 gram Brassinolide + 200 gram amino acid + 100 gram Bột rong biển + 30 gram vi lượng tổng hợp + 2 gram Cytokinin DA6. Phun định kỳ 7-10 ngày/ lần. Dừng trước thời điểm cây xổ nhụy 15 ngày. Cử cuối cùng phun MKP để thúc đẩy làm già cơi đọt, chuyển sang giai đoạn ra hoa, xổ nhụy, đậu trái non.
– Giai đoạn đậu trái non gặp mưa, cây đi đọt cần tiến hành chặn đọt bằng công thức: 100 gram Mepiquat + 1 kg MKP pha 200 lít nước. Hoặc có thể phun các hoạt chất KNO3 (1,5-2%), MKP (2-2,5%), …
– Giải pháp phòng ngừa mất cân đối dinh dưỡng: Đối với phân bón gốc, Bà con lưu ý bón phân đúng cách, cân đối giữa phân hữu cơ, đạm và lân sau mỗi đợt thu hoạch để cây lấy lại sức phát triển thân và lá và có khả năng nuôi được nhiều hoa sau này. Lượng phân bón được tính theo sản lượng quả mà cây đã đạt được hoặc dự kiến sản lượng cây sẽ cho thu hoạch. Một thành phần cũng rất quan trọng khác sau khi thu hoạch là phân chuồng. Bà con cần chú ý cung cấp đủ lượng phân hữu cơ cần thiết cho cây. Việc cung cấp không đầy đủ hoặc mất cân đối các loại phân khiến các bó mạch dẫn của phần cuống phát triển mạnh, cộng với việc cây thiếu canxi và silic khiến tế bào cuống dễ tách rời dẫn đến giảm liên kết và xảy ra hiện tượng nứt dọc cuống. Do đó, trong thời kỳ cây mang quả non, bà con nên phun 2 lần chế phẩm sinh học canxi bo và chế phẩm sinh học nano silic để bổ sung ngay cho cây. Do những vấn đề trên nên khi chăm sóc cây sầu riêng, bà con cần chú ý bổ sung các thành phần dinh dưỡng trung vi lượng bằng cách phun qua lá các chế phẩm có chứa các thành phần trung lượng cho cây như Ca, Mg, S, Cu, Fe, Zn, Bo.
– Giải pháp xử lý khi cây bật đọt khi đang có quả non:
Nuôi bông và nuôi đọt: Kích thích cây ra bông trước, sau khi mắt cua ra 7-10 ngày thì kích ra đọt. Khi lá già là lúc bông chuẩn bị xổ nhụy. Đảm bảo cây khỏe – sung và cho năng suất cao.
Hãm đọt: không cho ra đọt non vì như vậy sẽ làm cây mất sức, năng suất không cao và dễ làm cây bệnh hoặc chết cây sau khi thu hoạch. Đây có thể là con dao 2 lưỡi.
– Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc hoa, quả non bà con cần chú ý theo dõi sâu bệnh hại để kết hợp phun thuốc sao cho phù hợp và thuận tiện. Trong đó, bà con cần lưu ý các loại sâu bệnh như rầy phấn trắng, nhện, bọ trĩ và bệnh thán thư.