CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH TRÊN NHÃN GIAI ĐOẠN NUÔI QUẢ

1. Bón phân qua rễ
Căn cứ vào độ tuổi và số lượng quả trên cây mà có mức bón thích hợp. Với cây 10 năm tuổi, năng suất dự kiến thu hoạch 1 tạ quả: Bón 0,5-0,8 kg đạm + 0,5-1 kg kali + 1-1,5 kg lân, bón chia làm 3 lần, lần I: khi quả non có đường kính bằng hạt ngô; lần II: khi quả non bắt đầu chuyển mã, có đường kính 0,5-0,6 cm; lần III khi quả có đường kính 1-1,5 cm, cùi đã kín hạt, hạt có màu đen.
Phân được trộn đều, tranh thủ tạnh mưa để rắc hoặc hòa nước, tưới xung quanh tán nếu trời nắng. Số phân trên có thể hòa trong 150-200 lít nước.
Trong khoảng thời gian giữa hai lần có thể dùng nước phân chuồng, đỗ tương, ngô, hữu cơ nhật, vi sinh đạm cá… ngâm lân pha loãng tỷ lệ 1/7-10 nước lã, tưới quanh gốc, định kỳ 7-10 ngày/lần (tùy thuộc vào thời tiết để sử dụng các loại phân trên cho hợp lý).
2. Bón phân qua lá
Sử dụng một trong các loại phân bón qua lá sau phun lên lá, quả: Bo Canxi Kawafuji,… phun theo chú dẫn trên vỏ bình thuốc. Phun định kỳ 10-15 ngày/lần. Có thể pha cùng với thuốc sâu, bệnh cho giảm công phun thuốc.
– Quả non có đường kính 3 đến 4 mm: Phun Newbra hoặc có thể phun 1 lần NAA 0,025% (250 ppm) với nồng độ bằng 1/2 so với chỉ dẫn. Lần phun này có tác dụng giảm rụng quả sinh lý, giữ được tối đa số quả trên chùm hoa.
Chú ý:Việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ theo chỉ dẫn, nếu phun quá liều lượng có thể gây sốc (ngộ độc) dẫn đến hoa, quả rụng, nếu phun không đủ liều lượng sẽ không có tác dụng. Cần quan tâm đối với cây nhãn đậu quả quá nhiều (sai quả) phải áp dụng biện pháp tỉa quả ngay sau khi đậu quả non nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây nhãn ở các năm sau.
3. Một số biện pháp khác
Nếu bị khô hạn 3-5 ngày phải tưới nước cho cây, nước được tưới lên cành có lá, có quả, thân cây, và tưới xung quanh gốc. Cho tủ gốc giữ ẩm sau tưới (có thể dùng các loại bèo, rơm đã ủ mục…).
Nếu mưa to gây ngập úng cục bộ, cần phải khơi rãnh thoát nước. Nếu mưa dài ngày cần có biện pháp tiêu nước chủ động.
Nếu nghe đài thông báo có gió mạnh từ cấp 6 trở lên phải có biện pháp chuẩn bị để phòng chống gió to, bão.
4. Phòng trừ sâu bệnh hại chính
a. Bệnh hại hoa quả non
* Bệnh sương mai (Phytopthora):
Trong vụ xuân, nếu ẩm độ không khí cao, bệnh hại hoa nhãn thường phát triển mạnh và làm cho hoa, quả non bị hỏng.
+ Thời điểm gây hại: Chủ yếu trong thời gian ra hoa và đậu quả non.
+ Thường ở chân giò hoa, quả hoặc cành, nhánh có các chấm đen, nâu đen nhỏ, sau lớn dần nối với nhau tạo ra các dạng không định hình có màu đen, hơi lõm, cành hoa héo rũ và ban đầu có hiện tượng giống như ngâm trong nước sôi hoặc màu xanh tái. Trên quả bị bệnh đầu tiên biến màu sau đó chuyển màu nâu và rụng, nếu thời tiết thuận lợi như ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thích hợp bệnh sương mai phát triển nhiều trên quả cho đến tháng 6-7, kể cả khi đang cho thu hoạch quả.
+ Phòng trị: Sử dụng VT Suran 50WP, Ridomin 68WG hoặc AmisuperTop 500WP phun khi thấy bệnh xuất hiện và phun làm hai lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày.
b. Sâu hại hoa, quả non
* Rệp hại: Rệp muội (Aphis)
+ Thời điểm gây hại: Thường gây hại giai đoạn cây nhãn xuất hiện đợt lộc non, khi ra hoa, đậu quả non chích hút dinh dưỡng ở cây nhãn và ở cả phần chùm hoa, quả.
– Rệp sáp (Pseudococcidae Melly) – rệp sáp bột.
Cơ thể hình oval, có phân đốt rõ ràng và được bao phủ bằng lớp sáp bột, trứng được đẻ trong túi xốp. Rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quả và gây hại bằng cách hút dinh dưỡng của cây.
– Rệp sáp ống: Con cái nhỏ hình vảy, con đực được bao phủ bởi lớp sáp trắng hình ống, gây hại chủ yếu phần cành bánh tẻ, kẽ lá và cũng chích hút dịch cây.
Các loại rệp trên ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là môi giới truyền một số bệnh virút hoặc Mycoplasma và phân thải ra của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen (nấm muội đen) phát triển phủ lên lá quả làm giảm khả năng quang hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả.
Phòng trừ: Khi xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như: Chesone 300WP, Akulagold 275SC, Heloone 370SC lên phun hai lần: lần I khi phát hiện, lần II sau lần I từ 5-7 ngày.
Có thể cộng thêm chất bám dính để tăng hiệu quả.
Chú ý:Phải thay đổi, luân phiên các loại thuốc trên qua mỗi lần phun.
* Bọ xít nâu (Tessaratoma Pappilosa):
+ Gây hại nặng trong vụ xuân hè.
+ Đặc điểm hình thái: Con cái trưởng thành dài 24-27 mm, con đực nhỏ hơn, màu nâu vàng có hai mắt kép hình quả thận màu đỏ tím, mắt đơn màu đỏ, mảnh lưng ngực trước rộng. Con cái đẻ trứng thành ổ xếp thành hai hàng song song số lượng 12 – 14 quả trứng hoặc Bọ xít non mới nở có màu trắng… sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ, mỗi năm chỉ có một lứa. Bọ xít trưởng thành qua đông tới tháng 3-4 sang năm lại xuất hiện trở lại và đẻ trứng.
+ Đặc điểm gây hại: Cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng trên chồi, lá non, nếu hại ở phần quả non sẽ làm quả bị rụng.
+ Phòng trừ: Khi bọ xít non xuất hiện cần phun trừ bằng thuốc như Kasaki 95EC, Ktedo 85EC.
* Sâu đục quả, đục cuống:
+ Sâu đục cuống quả (Conopomorpha sinensis Bradley):
Trưởng thành đẻ trứng vào cuống ở đầu quả nhãn. Mỗi con đẻ từ 50 – 70 trứng. Sâu non sau khi nở đục vào cuống quả gây hại. Sâu càng lớn vết đục càng rộng. Trong 1 quả nhãn có thể có từ 1 đến vài sâu non, thậm chí 5 – 10 con. Sâu non đục từ cuống quả vào ăn hạt non, cùi làm cho hạt bị rỗng, rụng. Mặt khác, vết đục của sâu tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hiện tượng thối rụng quả. Sâu thường tấn công và làm quả rụng rất nặng vào giai đoạn khi quả đã có cùi và quả bị thiệt hại nhiều nhất vào giai đoạn gần thu hoạch. Khi đến tuổi trưởng thành, sâu thường đục một lỗ nhỏ gần cuống quả bò lên trên phần lá gần chùm quả, kéo một lớp màng mỏng mầu trắng, hóa nhộng trong đó. Gây hại chủ yếu từ khi hoa nở đến lúc quả bằng hạt ngô.
+ Sâu đục quả (Conogethes punctiferalis)
Trưởng thành của loài sâu này có kích thước nhỏ, chiều dài sải cánh 14 – 20 mm, chiều dài thân 6 mm, màu nâu. Toàn thân và cánh màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng thường được đẻ ở các lá gần quả hoặc nơi dính giữa quả và lá. Sâu thường đục vào bên trong quả, ăn cả phần hạt, miệng lỗ đục có thể thấy một ít chất thải của sâu. Khi còn ở bên ngoài sâu thường nhả tơ kết dính các quả non lại. Gây hại từ khi hình thành quả đến lúc quả chín.

Khi sâu non xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như: Kakasuper 120EW, Akulagold 260EC, Voliam Tagro, Virtako… theo đúng chỉ dẫn trên bao gói thuốc BVTV.

Gọi điện thoại
0968.326.568
Chat Zalo