NHỮNG BIỆN PHÁP CHĂM SÓC CÂY TRỒNG SAU NGẬP LỤT DO MƯA BÃO

Xin chia buồn với bà con nông dân về những thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua gây ra.

Sau mưa úng, rất nhiều diện tích cây trồng đã bị tàn phá và bị ngập lụt. Những diện tích cây nếu không bị gãy dập nhưng nếu bị ngập úng lâu ngày hoặc không có biện pháp chăm sóc kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Sau đây là một số biện pháp chăm sóc cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng do ngập lụt sau mưa bão mời bà con tham khảo.

Biện pháp xử lý khi ngập lụt kéo dài từ 2 ngày trở lên

Khi ngập lụt kéo dài trên 2 ngày, cần thực hiện các biện pháp sau:

Cắt bớt hoặc bỏ trái cây: Nếu lá vẫn còn xanh và có trái, nên cắt bớt hoặc bỏ hết trái để cứu cây. Việc này giúp cây giảm bớt gánh nặng và tập trung năng lượng cho việc phục hồi.

Biện pháp xử lý sau khi nước đã rút

Khi nước đã rút, cần thực hiện các biện pháp sau để giúp cây phục hồi:

Tạo điều kiện thoát nước: Đào mương, đánh rãnh để nước rút nhanh. Đảm bảo rằng không còn nước đọng trong vườn cây.

Không giẫm đạp lên đất: Sau khi nước rút, không nên mang thiết bị nặng, người hoặc vật nuôi để giẫm đạp lên khu vực dưới gốc cây. Việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống rễ của cây, làm cây bị ngạt khí và có thể chết.

Phá váng đất: Sau khi đất khô, dùng cào nhẹ lớp đất bề mặt để phá váng, giúp không khí đi xuống dễ dàng và cung cấp oxy cho rễ hô hấp tốt hơn. Điều này rất quan trọng để rễ cây nhanh chóng phục hồi.

Không bón phân hóa học ngay lập tức: Sau khi nước rút, không sử dụng phân bón hóa học ngay. Chờ đến khi cây phục hồi hẳn mới bắt đầu bón phân lại. Bón phân sớm có thể gây thêm căng thẳng cho cây.

Ngoài ra, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra bà con cần áp dụng các biện pháp cụ thể như sau:

Đối với cây lúa: Khơi thông dòng chảy, sử dụng các thiết bị máy móc tiêu úng; Tranh thủ thời tiết nắng, khô ráo khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín; Trà lúa chắc xanh đỏ đuôi, nếu cây lúa bị đổ cần khơi thông tiêu úng dựng lúa để cây trồng phục hồi; Trà lúa đang trỗ – phơi mầu cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh gây hại cuối vụ như rầy, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh hoa cúc…để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đối với cây rau màu các loại: Trên diện tích rau màu chưa đến kỳ thu hoạch bị ngậm nhẹ có khả năng phục hồi cần khần trương rút nước, vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, gãy; dựng lại cây bị nghiêng (cần thao tác nhẹ nhàng để hạn chế đứt rễ) có thể bổ sung thêm đất bột vào gốc (với họ bầu bí không nên tác động vào gốc, rễ cây). Khi mặt đất khô se cần xới phá váng và tiếp tục chăm sóc bón phân trở lại.

Để hạn chế bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, thỗi nhũn… cần tưới gốc bằng các chế phẩm vi sinh hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng như Starsuper 20WP; Rorai 21 WP; Yomisuper 23WP, Bisomin 2SL;… Chú ý nồng độ, liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trên diện tích rau màu bị ngập nặng không có khả năng phục hồi cần tận thu, khơi thông cống rãnh để thoát nước, thu dọn tàn dư cây bị hại đem tiêu hủy. Khi nước rút, làm đất kỹ, phơi đất, chuẩn bị giống, phân bón để gieo trồng vụ mới.

Đối với cây ăn quả lâu năm hoặc cây cảnh như Quất, Đào: Những vườn đang bị ngập úng cần tiến hành đào rãnh thoát nước hoặc bơm, tát nước, không để tình trạng rễ cây bị ngâm trong nước thời gian dài.

Những vườn đã rút nước, đất mặt đã se cần xới nhẹ, phá váng quanh tán cây. Cắt tỉa bớt tán lá để giảm thoát hơi nước giữ sức cho cây. Phun 2-3 lần chế phẩm Newbra 0,1SL để chống sốc và nhanh phục hồi cho cây. Sau 20-25 ngày, bón bổ xung phân hữu cơ hoai mục kết hợp với chế phẩm Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng để vườn cây nhanh phục hồi. Hạn chế sử dung phân bón hóa học.

Những vườn đang trong giai đoạn quả non hoặc quả đang phát triển, phun bổ sung phân bón lá có chứa các chất vi lượng Cu, Zn, Fe, B, Mn, Co… để hạn chế hiện tượng rụng và nứt quả. Nếu cây yếu quá thì nên cắt bỏ hết quả để giữ sức bảo tồn cây.

Chủ động phòng, chống các loại bệnh hại

Mưa liên tục, độ ẩm cao, mật độ sâu hại sẽ giảm đáng kể nhưng một số bệnh hại gây hại cây trồng lại tăng lên, nhất là các bệnh do nấm gây bệnh thán thư, thối rễ, nứt và thối trái. Đối với nấm bệnh tấn công chủ yếu ở các chồi lá non thì việc thúc lá nhanh thành thục cũng là biện pháp làm hạn chế nấm bệnh. Đồng thời cần tỉa cành già cỗi, cành vượt tạo độ thông thoáng cho cây, thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan, phun các loại thuốc gốc đồng để phòng trừ nấm bệnh tấn công vườn. Bên cạnh đó nếu có điều kiện thì sau mỗi cơn mưa phải dùng nước tưới phun hoặc rung cây để rửa nước mưa, vừa có tác dụng loại bỏ môi trường thích hợp phát triển của nấm, vừa làm cho bào tử nấm bệnh bám vào trên mặt lá, cành theo nước rơi xuống.

Đối với nấm bệnh hại rễ thì có thể ngừa bằng cách rải vôi hoặc quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 0,5 – 2m tùy loại và chiều cao cây. Mỗi năm thực hiện 1 lần vào đầu mùa mưa. Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa canxi (Ca), đồng (Cu), boron (B), kẽm (Zn) để tránh hiện tượng nứt quả. Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là các cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Có thể dùng các loại thuốc nấm như Ridomil hoặc VT Suran 50WP,…tưới gốc 2 – 3 lần cách nhau 20 – 25 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã ổn định trở lại, mới tiến hành bón phân cho vườn cây ăn quả (khoảng 20 – 30 ngày sau).

Gọi điện thoại
0968.326.568
Chat Zalo